Vì sao cần du học trung học phổ thông tại Úc?
Chương trình du học cấp 3 tại Úc theo hệ 12 năm, tương ứng hoàn toàn với các lớp học Việt Nam. Vì vậy, phụ huynh sẽ không phải lo lắng con mình sẽ bị “hụt hơi” so với các bạn cùng trang lứa người Úc.
Học sinh du học THPT tại Úc sẽ có điều kiện làm quen với chương trình học tập quốc tế từ sớm, từ đó dễ dàng nâng cao trình độ Anh ngữ và hòa nhập nhanh chóng với môi trường và người dân bản địa. Bên cạnh đó, du học ngay từ những năm cấp 3 cũng đem đến cho học viên nhiều lợi ích như:
- Học phí và chi phí trung bình khi du học trung học phổ thông tại Úc thấp hơn nhiều so với bậc Đại học.
- Phụ huynh đủ điều kiện có thể đi cùng con để chăm sóc con dưới 18 tuổi.
- Khi chọn du học THPT tại Úc thường rất dễ chọn trường đại học cũng như có nhiều cơ hội săn học bổng.
- Thời gian học tại chương trình THPT giúp các bạn học sinh được ở lại làm việc lâu hơn sau khi tốt nghiệp và cũng có nhiều cơ hội định cư hơn.
Cho con du học từ bậc THPT: nên hay không?
Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà du học từ cấp 3 mang lại cho tương lai của học sinh trên con đường học vấn. Tuy nhiên, có thể nói du học sớm chính là con dao hai lưỡi, có thể mang thành công nhưng cũng có thể ảnh hưởng xấu đến con trẻ nếu không có lựa chọn phù hợp.
1. Lợi ích khi du học THPT
1.1 Nâng cao khả năng ngôn ngữ
Ưu điểm đầu tiên và cũng rõ thấy nhất khi du học từ cấp 3 chính là củng cố và phát triển khả năng ngôn ngữ của con. Để chuẩn bị cho hành trình du học, trước đó con cũng đã phải có cho mình nền tảng ngoại ngữ từ khá đến giỏi.
Qua thời gian sinh sống và học tập tại nước ngoài, sự tương tác thực tế trong môi trường giao tiếp bản địa sẽ giúp du học sinh thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ và sự tự tin trong giao tiếp của mình.
1.2 Tiếp cận nền giáo dục quốc tế tiên tiến
Nhiều phụ huynh mong muốn cho con em đi du học từ THPT để con được hưởng nền giáo dục tại các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Canada… Các quốc gia hàng đầu thế giới đề cao việc cho học viên lĩnh hội kiến thức một cách chủ động.
Những đề tài nghiên cứu hay những dự án vừa sức giúp học sinh có thể phát triển những kỹ năng cần thiết như tìm kiếm thông tin, làm việc nhóm,… để phục vụ cho việc học tại các cấp bậc cao hơn.
Ngoài ra, giáo dục quốc tế chú trọng khai phá tiềm năng, định hướng việc làm cho con trẻ ngay từ bậc THPT. Các con sẽ được hỗ trợ để khám phá ra sở trường, thế mạnh từ đó xác định được mục tiêu nghề nghiệp tương lai và chọn hướng đi phù hợp cho bản thân.
1.3 Rèn luyện tính độc lập
Sống và học tập ở một môi trường mới bắt buộc các con phải tự lập và biết tự lo cho bản thân thay vì phụ thuộc vào gia đình.
Sống tại một quốc gia khác, mọi thứ từ nhà ở, ăn uống, đi lại, sinh hoạt và tất cả những vấn đề phát sinh trong cuộc sống học tập con phải dần học cách độc lập tự sắp xếp kế hoạch. Qua đó, con sẽ dần rèn luyện được khả năng thích nghi với những hoàn cảnh, tình huống khác nhau để tạo nền tảng và kinh nghiệm khi bước vào cuộc sống thực tế.
2. Nhược điểm khi du học THPT sớm
2.1 Ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ
Ảnh hưởng đầu tiên và cũng là ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong việc cho con du học sớm chính là sự tác động tiêu cực đến tâm lý con trẻ.
Độ tuổi 14 – 17 là độ tuổi quan trọng cho việc phát triển tâm sinh lý của con. Là lúc con có mong muốn khám phá cuộc sống nhưng vẫn chưa đủ chín chắn để kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của mình.
Việc sống tại một quốc gia xa lạ với quá nhiều thứ mới mẻ khiến con dễ dàng lạc lối, đi theo những cám dỗ của xã hội. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý và khác biệt về giờ giấc nên việc chia sẻ cùng gia đình và bạn bè hạn chế khiến con dễ bị rơi vào tình trạng đơn độc, sống khép kín và dẫn đến bóng đen tâm lý sau này.
Thêm vào đó, một đứa trẻ ra nước ngoài du học còn gánh trên vai áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình và ánh nhìn của xã hội. Những kỳ vọng về hình ảnh một du học sinh hoàn hảo vô tình khiến con bị ám ảnh, đôi lúc cảm thấy ức chế và cuối cùng dẫn đến những tổn thương tâm lý dần hình thành trong con.
2.2 Sốc văn hoá và môi trường học tập
Vấn đề sốc văn hóa không chỉ là nỗi lo lắng của các du học sinh cấp 3 mà là bất kỳ ai khi phát bắt đầu lại cuộc sống tại một quốc gia khác. Rất nhiều du học sinh đã phải chuyển trường, đổi thành phố quốc gia chỉ vì không thể hòa hợp với môi trường sống xung quanh.
Nếu con không thể làm quen được với việc hàng ngày phải nghe một ngôn ngữ khác không phải tiếng mẹ đẻ, ăn những món ăn lạ lẫm và những văn hóa sống khác biệt vô tình tạo nên những áp lực trong tâm lý của mỗi học sinh.
Và một điều điều khiến các học sinh lo lắng nhất chính là không thể hòa nhập trong trường học, không thể kết bạn và thậm chí bị cô lập trong môi trường giáo dục.
Chưa thích nghi được với phương pháp học tập mới sẽ dẫn đến kết quả học tập sa sút. Dần dần, điều này sẽ gây tâm lý chán ghét việc học, thậm chí là du học sinh bỏ ngang chương trình học của mình.
3. Khi nào nên cho con du học THPT?
Đứng trước những lợi ích và khó khăn khi cho con du học THPT, phụ huynh nên suy nghĩ cân nhắc kỹ càng về việc lựa chọn con đường học vấn phù hợp cho con.
Theo các chuyên gia về giáo dục, độ tuổi cho con đi du học tốt nhất là từ 18 tuổi khi tư duy và tâm lý của các con đã được định hình rõ ràng. Đồng thời, đây là lúc con đã có những định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn sau khi được trải qua chương trình học THPT và dễ dàng lựa chọn chương trình học cũng như quốc gia phù hợp.
Tuy nhiên, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, bố mẹ chỉ nên cho con đi du học khi con thực sự yêu thích và chuẩn bị sẵn sàng về năng lực học tập cũng như tâm lý vững vàng. Đồng thời bố mẹ cần cho con hiểu rõ những vấn đề con có thể gặp phải khi du học cũng như trang bị cho con những kỹ năng để tự vượt qua chúng.